Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

CHÂN LÝ Ở ĐÂU ?!

« CHỢ TRỜI THẬT GIẢ ĐÂU CHÂN LÝ ? »

Vũ Đức Tâm




Phải thừa nhận Tố Hữu là nhà thơ, thơ ông có bài, có câu hay mà đến nay nhiều người vẫn nhớ . Trong số những câu hay ấy, có hai câu đang rất thời sự : « Chợ trời thật giả đâu chân lý/Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa ».
Đọc bài « Bốn bộ thống nhất không phạt người đội mũ bảo hiểm « dỏm » » trên Dân trí ngày 14/3/2013  của P. Thảo thấy tức anh ách. Tức không chịu được nên phải giãi bày vậy. Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm. Nhà nước phân cho gì thì nhận và là hàng thật. Trong nền kinh tế thị trường thì hàng hóa ê hề, người dân thấy bán gì, mua nấy, người buôn có hàng gì buôn hàng ấy, theo kiểu « thuận mua vừa bán ». Cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lí thị trường, hàng hóa và có đủ thẩm quyền để xác định hàng thật, giả và truy tận gốc để xử phạt kịp thời người làm và bán hàng giả. Đó là điều hiển nhiên mà ai ai cũng hiểu. Thế nhưng, ở cái xứ ta thì hình như có lúc người ta không hiểu điều đó. Điều minh chứng rõ rệt là người ta cứ để mũ rởm sản xuất ồ ạt, rồi mang bày bán công khai khắp hang cùng ngõ hẻm. Cho đến khi vượt quá tầm kiểm soát thì họ họp lại với nhau để đối phó bằng cách kí xoẹt cái Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT, ngày 28/2/2013 và sẽ có hiệu lực ngày 15/4/2013.

Họ muốn dùng Thông tư này làm công cụ để « oánh » tuốt tuột người ngay và kẻ gian. Bọn người làm ăn phi pháp lo đã đành. Người lương thiện đội mũ trên đầu cũng lo ngay ngáy vì có thể bị phạt bất cứ lúc nào, vì không biết mũ mình thật hay giả vì nó bày bán công khai, trông cũng bắt mắt và gõ vào cũng thấy chắc nình nịch, và có mũ dán cả tem nữa… Đồ giả thời công nghệ cao tinh xảo đến mức ngay người đi phạt cũng có lúc phân vân thật, rởm. Người đội vì thế sợ mũ mình tưởng thật hóa giả hay ngược lại…dễ bị mất tiền oan lắm lắm. Ngày trước có câu : « Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi », nay, dân gian đã có ngay câu: « Bốn Bộ đồng tình bóp nặn tiền dân »
Nhưng thời Internet, Bốn Bộ chưa kịp thò tay bóp thì dân tình kêu la, phản đối ầm ĩ đến độ họ phải họp lại với nhau, có cả Văn phòng Chính phủ tham dự để tìm hướng xử lí. Đại diện các Bộ liên quan đều thấy không khả thi. Ông Bộ trưởng GTVT còn đăng đàn khẳng định « không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng », rất chi là hợp lòng dân. Quan phụ mẫu thương dân như thế mà người ta cứ đồn ông ta thế này, thế nọ… Cuối cùng rồi họ nhất trí « không phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm ».
Thế là mọi người thở phào. Nhiều người còn bảo rất đáng khen, đó là một quyết định sáng suốt, hợp lí…Tuy nhiên, qua việc này, nhân dân khoan dung tha cho là may, chứ không phải kiểm điểm cả Bốn Bộ và có hình thức phạt cho tương xứng. Phạt vì họ yếu kém quá thể trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật. Lẽ ra phải có điều tra, khảo sát, xem xét kĩ, cân nhắc từng câu chữ ở các cấp từ thấp đến cao, thì có cảm tưởng họ cho đó như một trò thử nghiệm, làm theo ngẫu hứng. Cấp dưới soạn thảo lấy lệ, ỉ lại cấp trên, cấp trên duyệt đại khái, tin vào cấp dưới và cấp cao nhất thì giơ bút kí đại chứ chưa chắc đã đọc kĩ văn bản. Ta tạm hiểu thế vậy.  Biết bao công bộc ăn lương từ thuế của dân, tổn biết bao thời gian, tiền của, giấy mực…để đẻ ra « đứa con tinh thần » mới chỉ kịp làm giấy khai sinh đã chết yểu. Dân thoát nạn lần này, nhưng vẫn sống trong nỗi phấp phỏng lo âu :  Liệu còn có văn bản nào phi lí như thế này đang được thai nghén không ?
Trong nền kinh thế thị trường, mặc dù đã có định hướng, cứ rối tinh rối mù, thật giả lẫn lộn, không biết đằng nào mà lần. Ông Tố Hữu chí lí thật !



15/3/2013

Vũ Đức Tâm

Không có nhận xét nào: