Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

TRUNG QUỐC TỰ TẠO RA DÒNG VI-RÚT CÚM NGUY HIỂM

Trung Quốc tự tạo dòng cúm nguy hiểm

TTO - Các nhà miễn dịch học hôm 3-5 đã bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tạo dòng virút cúm hỗn hợp trong phòng thí nghiệm từ hai chủng virút chết người là H5N1 và H1N1.


Các nhân viên y tế Trung Quốc tiêu hủy gà sống nhằm phòng chống nguy cơ lan rộng của chủng virút cúm H7N9 - Ảnh: Reuters
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc và Trường đai học Nông nghiệp Cam Túc tuyên bố trên tạp chí khoa học Science họ đã tạo ra một loại virút mới được kết hợp từ hai loại virút cúm là H5N1 và H1N1. Các nhà khoa học này lý giải mục đích tạo ra loại virút mới nhằm làm sáng tỏ cách mà các loại virút kết hợp với nhau để tạo ra một loại virút mới, từ đó giúp con người đề phòng trước nguy cơ này.
Loại virút mới dễ lây lan giữa chuột lang thông qua đường không khí. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại loại virút trong phòng thí nghiệm này có thể tạo ra một đại dịch đối với loài người. Nhà khoa học Simon Wain-Hobson thuộc Viện Pasteur ở Paris (Pháp) lo ngại dòng virút nói trên có thể lây giữa người với người, đồng thời có chứa một số đặc tính chết người của H5N1.
Các chuyên gia trên thế giới chỉ trích đây là hành động mù quáng vô trách nhiệm. “Họ tuyên bố làm điều đó để giúp phát triển vắcxin phòng chống cúm hoặc đại loại như vậy. Nhưng trên thực tế họ đã bị thúc đẩy bởi tham vọng mù quáng bất chấp tất cả - ông Robert May, nhà khoa học từng làm cố vấn cho Chính phủ Anh phát biểu trên tờ The Independent - Họ đang tìm cách tạo ra những virút nguy hiểm có thể lây nhiễm giữa người. Đây là một việc vô cùng vô trách nhiệm”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2003 virút cúm gia cầm H5N1 đã khiến 628 người nhiễm bệnh, trong đó có 374 người thiệt mạng.
NAM PHƯƠNG
Trung Quốc công bố tài liệu về nguồn gốc H7N9
Theo phát hiện của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc và các trường đại học, H7N9 đã tái cấu trúc từ các virút cúm gia cầm thuộc ít nhất bốn nguồn gốc khác nhau.
Một trong những gen của virút H7N9 có thể bắt nguồn từ các virút cúm gia cầm ở vịt tại vùng châu thổ sông Dương Tử, nơi khởi phát bệnh dịch.
Một loại gen khác có thể đã tiến hóa trong cơ thể chim di cư bay qua Trung Quốc và vịt có khả năng là vật thể trung gian hàng đầu lây lan virút từ chim hoang dã sang gia cầm trong nước.
Ngoài ra, sáu gen của virút H7N9 có thể bắt nguồn từ hai nhóm virút cúm gia cầm H9N2 khác nhau từ Thượng Hải cũng như hai tỉnh miền đông là Giang Tô và Chiết Giang.
Phát hiện trên cũng cho rằng H7N9 đã tiến hóa từ ít nhất hai dòng khác nhau vì chúng có dấu hiệu kháng thuốc chống cảm cúm Tamiflu khác nhau.

TTXVN

Không có nhận xét nào: