“Mù” các phòng khám Trung Quốc, có yếu tố nước ngoài
(TNO) Không có phòng khám có yếu tố nước ngoài nào trong danh sách đăng ký hoạt động tại Sở Y tế TP.HCM nhưng thực tế, phòng khám có yếu tố nước ngoài, bác sĩ Trung Quốc vẫn hoạt động “biến tướng” và dường như đang “trở lại” sau thời gian tạm lắng xuống.
Các phòng khám có yếu tố nước ngoài “biến mất”
Sau vụ việc “Đột kích một phòng khám Trung Quốc trái phép”, ngày 9.5,
bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, nhận định: Sau
thời gian Thanh tra Sở Y tế tập trung vào kiểm tra các phòng khám có yếu
tố nước ngoài thì hiện nay đã xảy ra biến tướng là các phòng khám có
yếu tố nước ngoài, nhất là phòng khám Trung Quốc, “hô biến” để thành
phòng khám không có yếu tố nước ngoài bằng cách tìm người Việt đứng tên.Theo ông Trạng, rà soát lại danh sách các phòng khám được cấp phép hoạt động của Phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TP.HCM cho thấy hiện nay không có phòng khám nào đăng ký có yếu tố nước ngoài cả.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, TP có gần 13.000 cơ sở y tế tư nhân đăng ký hoạt động trên địa bàn. Điều này khiến cho thanh tra đang “bơi” trong một môi trường y tế rộng mênh mông, quá nhiều phòng khám mà không nắm được có bao nhiêu phòng khám Trung Quốc, có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.
“Chuyện này giống như chúng ta bị rơi vào hoàn cảnh tự nhiên đang ở cái mình biết trở thành mù”, bác sĩ Trạng thừa nhận trước việc các phòng khám có yếu tố nước ngoài “biến mất”.
Chính vì vậy, hiện nay, hầu như thanh tra chỉ có thể dò theo quảng cáo, thông tin trên mạng để thanh tra các phòng khám Trung Quốc, có yếu tố nước ngoài.
Nhiều kỹ thuật "trên trời" được một phòng khám Trung Quốc quảng cáo - Ảnh: Nguyên Mi |
Các phòng khám này đều được thanh tra tìm hiểu qua thông tin đại chúng và quảng cáo. “Trong đó, có một phòng khám trên đường Cách mạng tháng 8, tôi coi quảng cáo trên mạng thấy sau lưng tiếp tân có thấp thoáng tên người nước ngoài nên “đổ quân” đi thanh tra”, ông Trạng cho biết.
Trước tình trạnh này, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh việc chịu trách nhiệm thanh tra, quản lý phòng khám của cơ quan quản lý y tế địa phương.
“Một cái phòng khám lớn ngay tại địa phương như vậy thì chuyện gì xảy ra sao lại nói chuyện không biết được. Chẳng qua là nhiều nơi chưa quản lý nghiêm túc”, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM đánh giá.
Nơi mới, người cũ, chiêu cũ
Theo kết quả tái thanh tra của Sở Y tế TP.HCM thì không có phòng khám Trung Quốc vi phạm nào bị thanh tra xử lý, “đóng cửa” tiếp tục hoạt động lại.
Tuy nhiên, trong vụ “đột kích” vào phòng khám Hiệp Hòa (đường Trường Sơn, Q.Tân Bình) vừa rồi, đoàn thanh tra phát hiện một số nhân vật “bác sĩ” Trung Quốc rất quen mặt. Các bác sĩ này được xác định là từng làm việc tại phòng khám trên đường Thành Thái, đã bị xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động vào năm ngoái.
“Mặc dù các phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc hành nghề chui từng bị đình chỉ hoạt động trong đợt thanh tra năm ngoái đã đóng cửa nhưng họ lại chuyển hướng qua một địa điểm khác, pháp nhân khác”, ông Trạng đánh giá.
Khá đông người Trung Quốc mặc áo blouse có mặt tại phòng khám Hiệp Hòa là "người quen" thanh tra từng bắt gặp tại phòng khám sai phạm bị đóng cửa năm ngoái - Ảnh: Thanh Tùng |
“Tất cả các bác sĩ Trung Quốc đang khám, chữa bệnh trên địa bàn dù có chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế cấp nhưng chưa đăng ký và được sự đồng ý của Sở Y tế để hoạt động đều là hoạt động trái phép”, ông Trạng khẳng định.
Không chỉ thế, sau một thời gian “ẩn mình”, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, trên các tuyến đường đang tái diễn chiêu phát ấn phẩm “đội lốt” thông tin sức khỏe để quảng cáo phòng khám, với những kỹ thuật “trên trời”, vượt quá chức năng được phép thực hiện tại phòng khám theo quy định của Bộ Y tế.
Một chiếc máy tại phòng khám Hiệp Hòa được cho là “hồng quang trị liệu”, giống y như những chiếc máy ở các phòng khám Trung Quốc sai phạm bị phát hiện, đóng cửa trước đây - Ảnh: Thanh Tùng |
Như tại phòng khám Hiệp Hòa, mặc dù chỉ đăng ký khám bệnh đa khoa thông thường nhưng đoàn kiểm tra bắt quả tang các “bác sĩ’ tại đây thực hiện luôn việc cắt trĩ, cắt bao quy đầu, cắt u tuyến tiền liệt.
Theo ông Trạng, các kỹ thuật như vậy, đặc biệt là các kỹ thuật xâm lấn (có can thiệp phẫu thuật, dao kéo) được Bộ Y tế quy định rất kỹ lưỡng, chặt chẽ về điều kiện vật chất kỹ thuật và trình độ chuyên môn bác sĩ. Đây hầu như là những kỹ thuật vượt quá chức năng hoạt động của phòng khám đa khoa.
Nguyên Mi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét