TTO - Áo mưa, hộp sốp đựng đồ ăn, vỏ lon bia, nước
ngọt, trái cây... là "bãi chiến trường” sau lễ bắn pháo hoa Quốc tế Đà
Nẵng 2013 đêm 29-4. Những hình ảnh này khiến hình ảnh, môi trường sông
Hàn bớt đẹp đi.
Lòng sông không khác gì một bãi chiến trường nham nhở rác
Chưa đến giờ chính khai màn lễ hội pháo hoa, nhưng một cảnh
tượng xấu xí đã đập vào mắt chúng tôi. Trên cầu, một “bãi chiến trường”
rác ngập đầy đường. Áo mưa rách rưới, vỏ lon bia, nước ngọt móp méo,
“xác” thức ăn, bánh, trái vương vãi mọi ngóc ngách. Nước mưa đọng lại
càng khiến quang cảnh thêm dơ dáy, bẩn thỉu, mất cả mĩ quan con đường
phố vốn nổi tiếng đẹp nhất Đà Nẵng.
Quang cảnh hãi hùng tại một góc phố
Đi đâu cũng thấy những đống rác chất cao
Tại các tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo dọc hai bên
bờ sông Hàn, lượng khách đứng đông nghẹt. Những nhóm gia đình trải bạt,
ngồi đánh bài, nói cười rôm rả gây “nhiễu” cả khu vực. Điều đáng nói,
nhiều người còn “ham” vui, tranh nhau nhảy xuống cồn cát dưới bờ sông.
Thủy triều xuống thấp nên lộ ra bãi đá “lộ thiên” giữa lòng sông, bất
chấp bùn sầy, đỉa, và nguy cơ bị lún chân té, từ người già, thanh niên
đến trẻ em đều giành cho mình một vị trí ngồi trên những mõm đá nhấp
nhô.
Theo quan sát, bởi đến 8g45 pháo hoa mới bắn nên trong lúc
đợi chờ mòn mỏi, có người trò chuyện với bạn, có người trải tấm ni lông
hay áo mưa nhậu nhẹt ngay trên phiến đá mỏng. Xong đâu lại đấy, một
lượng rác lớn “được” vứt xuống sông, nổi chình ình trên mặt nước tạo
cảnh tượng chẳng mấy đẹp đẽ.
Những con người thầm lặng “hậu” pháo hoa
Trở
về theo dòng người ùn ùn bị tắc nghẽn vài đoạn đường, chúng tôi bắt gặp
hình ảnh các cô chú dân nghèo đang còng lưng nhặt lượm những vỏ nhựa
lăn lóc trên cồn cát, nổi bồng bềnh trên mặt sông bao la và khắp các
đường đi. Khối rác “thập cẩm” khiến chúng tôi choáng ngợp bởi số lượng
đồ sộ của nó.
Hỏi một bác cao niên đang tất bật thu gom gần đó,
chúng tôi được biết, mùa bắn pháo hoa năm nào, hai ngày diễn ra là hai
ngày mưu sinh “hái ra tiền” của những người dân nghèo. Họ lùng sục tất
cả các con hẻm, ngõ ngách, tuyến phố lớn, hay ngay cả việc liều mình dầm
đôi chân tong teo xuống dưới con sông Hàn mênh mông nước suốt mấy tiếng
đồng hồ để vớt vỏ nhựa.
“Nhiều khi người ta đang ăn uống, tui
lại xin vỏ chai, thế là bị chửi quá trời. Cũng có người thương, gọi mình
đến, nhét vô bao một hai vỏ chai nước. Chừ (giờ - PV) đứng đợi cho họ
coi xong pháo hoa rồi tui mới đi lượm tiếp. Chứ đường ngập người thế này
khó mang vác rác theo lắm!” - một bác nhặt rác có cao niên vừa lúi cúi
nhặt nhạnh từng chai nước vừa ngước mặt lên tâm sự.
Hai ngày diễn ra bắn pháo hoa là hai ngày mưu sinh “hái ra tiền” của những người dân nghèo
Những bạn trẻ tình nguyện đang hăng hái tổng dọn vệ sinh đường phố
Ngoài
cuộc sống mưu sinh của những người dân trên, chúng tôi xúc động khi bắt
gặp hình ảnh từng tốp thanh niên tình nguyện đang hăng hái nhanh tay
tổng dọn vệ sinh đường phố. Bạn trẻ nào cũng nhiệt tình tham gia, không
quản nhọc nhằn, không một lời than trách. Quả thực, không riêng gì chúng
tôi, ai đi đường đều sẽ khen ngợi hành động thiết thực và ý nghĩa vì sự
xanh - sạch - đẹp của thành phố của nhóm bạn này. Tuy nhiên, đó cũng là
lời cảnh tĩnh đến ý thức của người đi xem...
Pháo hoa năm nào
cũng vậy à? Thành phố tạo điều kiện cho bạn được đến “thưởng ngoạn” buổi
“dạ tiệc” sắc màu huyền ảo và hấp dẫn, còn bạn, những con người văn
minh của thế kỷ 21, “đua nhau” xả rác, chen chúc nhau khi ra về, bỏ lại
sau lưng bãi rác xấu xí?
THANH VIỆT - HÀ KIỀU