Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

NỖI CAM CHỊU ÁN OAN 10 NĂM CỦA GIA ĐÌNH ÔNG CHẤN

Vụ được trả tự do sau 10 năm ngồi tù chung thân: Mấy đời cũng không hết tai tiếng

(TNO) Mười năm ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ở tù vì cái án hiếp dâm, giết người và cướp của cũng là khoảng thời gian mà vợ con, người thân của ông phải đối mặt với vô vàn cơ cực, lẫn tủi nhục…



Ông Chấn nhận quyết định tạm đình chỉ vụ án vào sáng 4.11
Đằng đẵng cam chịu
Sáng 4.11, dù biết bố mình đã được thả tự do, nhưng khi trao đổi với Thanh Niên Online, anh Nguyễn Thế Anh (24 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), con út của ông Chấn, vẫn bần thần khi nhắc lại những gì gia đình đã phải trải qua. Theo lời Thế Anh, đó là quãng thời gian khó khăn nhất mà có lẽ về sau, những thành viên trong gia đình cậu sẽ chẳng ai có thể quên được.
Giọng khản đặc, Thế Anh kể: “Sau ngày bố bị tuyên án trên tòa, rồi đi tù, cuộc sống của năm mẹ con đảo lộn hoàn toàn. Bởi khi đó bốn anh em chúng tôi còn nhỏ, sức của mẹ không thể cáng đáng nổi. Phần vừa phải lo kinh tế nuôi các con ăn học, phần nhiều cũng vì những lời đàm tiếu của người làng nhắm vào gia đình… Chúng tôi cứ thế lầm lũi lớn lên bên mẹ, bên những người thân thích trong họ hàng”.
Cũng chính vì không có người gánh vác việc gia đình, đỡ đần, chia sẻ những lo toan, nên dù gắng gượng tới mấy, bà Nguyễn Thị Chiến (48 tuổi, vợ ông Chấn) cũng chỉ cho 3 người con đầu học hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà. Riêng Thế Anh, là con út, được học hết cấp 3.
Một người bị tù oan 11 năm: Bố đi tù, con gái khó lấy chồng
Thế Anh đau buồn kể lại của gia đình trong những năm tháng bố ngồi tù
Sống trong "ghẻ lạnh"
“Trong thâm tâm mình, tôi chưa bao giờ thôi nghĩ bố bị oan. Nhưng không hiểu sao, suốt quãng thời gian cắp sách tới trường, tôi luôn có cảm giác tự ti, mặc cảm. Bất cứ sự xuất hiện của người bạn học mới nào, tôi cũng lo họ biết về bố mình. Còn các bạn cùng làng thì trêu mãi rồi cũng thôi”, Thế Anh nhớ lại.
Cứ thế, bốn anh, chị em Thế Anh phải sống trong sự đàm tiếu, “ghẻ lạnh” của người trong vùng. Khi chị gái thứ hai đi lấy chồng, gia đình không dám tổ chức lớn, chỉ làm mấy mâm cơm mời họ hàng cùng cơi trầu bên nhà trai dẫn cưới. “Chị cũng xinh, ngoan ngoãn, hiền lành, nhưng mẹ tôi chẳng dám thách cưới", Thế Anh nói, giọng lạc hẳn đi.
Vẫn theo người con trai út của ông Chấn, không riêng gì chị thứ hai, anh lớn và Thế Anh khi tới tuổi lập gia đình, do sợ tai tiếng, nên cũng chỉ làm mấy mâm cơm mời họ hàng tới chứng kiến.
“Thương nhất là người chị lớn. Năm đã 29 tuổi mà chị chưa có đám nào hỏi tới. Buồn rầu vì chuyện này một phần, còn phần kia phải lo kinh tế nuôi các em, nên chị quyết định đi xuất khẩu lao động”, Thế Anh cay đắng nói.
 Một người bị tù oan 11 năm: Bố đi tù, con gái khó lấy chồng
Ngôi nhà của mẹ con chị Chiến luôn cửa đóng, then cài
Một người đàn ông sống cùng làng, không muốn nêu tên, cho hay: Mẹ con chị Chiến khổ vô cùng. Nhiều người tin anh Chấn bị oan nhưng họ sợ vạ lây điều tiếng, nên chẳng còn dám đi lại như trước, chứ chưa nói tới chuyện giúp đỡ. Ngoài ra, người nhà anh Chấn đi tới đâu cũng bị người làng bàn tán sau lưng. Năm mẹ con cứ thui thủi với nhau ngày này qua ngày khác.  
“Tội gì tôi không biết, nhưng cái tội hiếp dâm, cướp của rồi giết người thì nó kinh khủng vô cùng. Như ở quê tôi thì có gột rửa tới mấy đời cũng không hết tai tiếng. Mới đây, trước khi người ta báo tin thằng Chấn bị oan, sắp được ra tù, người nhà của cái cô gái bị giết, còn đứng giữa đường làng chửi rủa cả họ hàng, cả tông ti nhà chúng tôi… Sống như thế mà vợ con thằng Chấn còn nhẫn nhịn để sống được, không phải bán xới đi nơi khác, cũng là may lắm rồi”, bà Phạm Thị Là (63 tuổi, dì ruột của ông Chấn) nói với PV Thanh Niên Online.

Không có nhận xét nào: