Việt Nam định hình quan điểm lãnh đạo tương lai của Mỹ như thế nào
John Kerry và Chuck Hagel, hai vị được đề cử đứng đầu hai bộ quan trọng nhất là ngoại giao và quốc phòng của Mỹ, cùng có thời tham chiến ở Việt Nam và chính cuộc chiến này đã định hình quan điểm của họ về chính sách mà nước Mỹ cần có.
Khi đề cử một người làm Bộ trưởng ngoại giao và một làm Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thống Obama hy vọng sẽ đưa vào chính quyền nhiệm kỳ hai của ông hai cựu chiến binh có sự nhạy cảm về sự vô nghĩa của chiến tranh.
John Kerry và Chuck Hagel đều từng tham chiến ở Việt Nam, và cuộc chiến này đã in dấu ấn sâu đậm trong quan điểm của họ về chính sách và chiến tranh. Ảnh: Politico. |
Ông John Kerry, nghị sĩ đảng Dân chủ, bang Massachusett, được tổng thống Obama chọn vào chức ngoại trưởng. Trong thời gian tham chiến trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Kerry chỉ huy một tàu tuần tra ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Nhận được ba huân chương chiến công "Trái tim màu tím", nhưng Kerry quyết định vứt bỏ hết các phần thưởng chiến tranh trong một cuộc phản đối trước tòa nhà quốc hội, lên án lính Mỹ hành xử tàn bạo một cách có hệ thống. Ông từng nói trước Ủy ban đối ngoại thượng viện rằng: “Làm thế nào người ta lại có thể yêu cầu một người khác trở thành kẻ phải chết cho một sai lầm?”
Ông Chuck Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Nebraska, được đề cử đứng đầu Lầu Năm Góc. Hagel tham chiến trong giai đoạn quanh Tết Mậu Thân và bị thương hai lần, nhận hai "trái tim màu tím".
Trở về Mỹ, chàng lính Hagel vẫn nghĩ rằng cuộc chiến ở Việt Nam là chính nghĩa và đã làm hết cách để vứt bỏ ký ức chiến tranh lại đằng sau. "Tôi muốn có một cuộc sống", ông từng nói.
Nhưng càng về sau, Hagel trở nên càng phản đối những người đề xướng chiến tranh. Hồi tháng 10 vừa rồi, ông phát biểu trên Tạp chí Việt Nam, một ấn phẩm về lịch sử, như sau: "Tôi không thể hiểu được sao đất nước này có thể cho phép điều như vậy diễn ra, 16.000 thanh niên bị giết trong một năm”. Hiện nay ông là Chủ tịch Nhóm tư vấn của Lầu Năm Góc về tổ chức kỷ niệm 50 năm cuộc chiến ở Việt Nam.
Video: Hagel nói "những điều học được từ chiến tranh ở Việt Nam" |
Những người ủng hộ ông Kerry và Hagel nói rằng cho dù hai người có những phản ứng khác nhau về các trải nghiệm đau thương của cuộc chiến, cuộc chiến đó có cùng một tác động đến họ, đó là việc đặt ra câu hỏi về cái giá cho việc dính líu của Mỹ ở nước ngoài.
Ông Max Cleland thuộc đảng Dân chủ, một cựu thượng nghị sĩ từ tiểu bang Georgia, đã bị mất ba chi trong chiến tranh tại Việt Nam, nói: “Những người từng tham gia chiến tranh là những người tốt nhất có thể ngăn chúng ta không rơi vào chiến tranh. Họ đã cảm nhận được vết thương chiến tranh về thể chất, tinh thần và tình cảm. Họ sẽ đưa lên bàn thương lượng tất cả những gì họ cần đưa, đó là: chiến tranh là tai hại”.
Đối với ông Obama, những bài học mà ông Kerry và Hagel học được từ trong cuộc chiến là yếu tố hết sức quan trọng khi tổng thống này quyết định chọn hai vị này vào những ghế quan trọng nhất của nội các.
Ngày 7/1, Obama nói khi công bố quyết định chọn ông Hagel: “Chuck hiểu rằng chiến tranh không phải là cái gì đó trừu tượng. Ông ấy hiểu rằng việc đưa những thanh niên Mỹ đi chiến đấu và đổ máu trong cát bụi và bùn đất sẽ chỉ được thực hiện khi nó thật sự khẩn thiết".
Tháng trước khi công bố quyết định chọn Kerry, Obama nói: “Đã từng phục vụ quân đội với lòng dũng cảm ở Việt Nam, ông ấy hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm trong việc sử dụng sức mạnh của Mỹ một cách khôn ngoan, đặc biệt là sức mạnh quân sự.”
John Kerry và diễn viễn Jane Fonda trong một cuộc tuần hành phản chiến ở Mỹ những năm 70 của thế kỷ trước. Ảnh: AP |
Nếu được quốc hội chấp thuận, hai ông Kerry và Hagel sẽ là một số rất ít cựu chiến binh Việt Nam lên tới đỉnh cao trong hệ thống an ninh quốc gia. (Ông Colin L. Powell, cựu ngoại trưởng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia đã hai lần sang tham chiến ở Việt Nam). Hagel sẽ là người đầu tiên từng là lính nhập ngũ điều hành Lầu Năm Góc, điều mà ông Obama cho là có “ý nghĩa lịch sử”.
Quan điểm của hai ông Hagel và Kerry làm cho họ rất tương thích với Nhà Trắng, bởi chính phủ gần như chắc chắn muốn đẩy nhanh quá trình rút nốt số 66.000 binh sĩ Mỹ còn lại tại Afghanistan, sớm hơn điều cánh chỉ huy quân sự mong muốn. "Lý do chúng ta từ bỏ Afghanistan không phải là vấn đề chúng ta thắng hay thua", ông Hagel nói với tạp chí Việt Nam. "Sau 10 năm ở Afghanistan, chúng ta thu được gì khi chúng ta ra đi? Chúng ta đã làm được gì ở đó?”
Cũng giống như Kerry, Hagel đã bỏ phiếu cho nghị quyết cho phép tiến hành cuộc xâm lược Iraq nhưng ông đã sớm trở thành người phản đối cách thức mà chính quyền Bush tiến hành cuộc chiến.
Bạn bè của ông cho rằng ông Hagel, với hai huân chương Trái tim tím, điều hành Lầu Năm góc là hợp lý, trong khi ông Kerry, người được tặng thưởng một ngôi Sao bạc, một Sao đồng và ba huân chương Trái tim tím, sẽ nhận Bộ Ngoại giao. “Họ dường như trụ lại những vị trí mà ta nghĩ là họ sẽ trụ lại”. Jan C. Seruggs, người sáng lập và là Chủ tịch Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam, người biết rõ hai ông, nhận xét.
Trải nghiệm ở Việt Nam
Trong cuộc điều trần năm 1971 trước Ủy ban đối ngoại thượng viện về Việt Nam, Kerry đã tức giận nói về những binh sĩ Mỹ đã “cưỡng bức, cắt tai, cắt đầu” và gây ra rất nhiều cuộc tàn sát khác. Sau này ông có nói rằng ông ân hận về một số từ ngữ ông đã dùng hôm đó. Việc này ảnh hưởng khi ông là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2004, khi một nhóm cựu chiến binh, vẫn còn bất bình với những nhận xét của Kerry, đã tìm cách hạ thấp kinh nghiệm quân ngũ của ông.
Christopher Gelpi, một giáo sư tại trường đại học Duke nghiên cứu về thái độ của các lãnh đạo quân sự đối với việc khi nào cần phát động chiến tranh và tiến hành như thế nào, nói rằng “Kerry quay lưng lại với cơ chế quân sự theo một cách khác với Hagel.”
Theo Gelpi, Hagel là một ví dụ điển hình về việc các cựu chiến binh bị vỡ mộng với cuộc chiến mà các nhà lãnh đạo chính trị phát động.
John Kerry năm 1969 (trái) và Chuck Hagel năm 1968, trong thời gian tham chiến ở Việt Nam. Ảnh: AP |
Ông Hagel, 66 tuổi, đến Việt Nam tháng 12 năm 1967 khi là lính lục quân và ngay sau đó được điều động đến đóng gần biên giới với Campuchia cùng với tiểu đội của người em trai mình là Tom. Tháng 3 năm 1968, tiểu đội đạp phải dây mìn trong rừng làm nổ một quả mìn lớn, các bộ phận của cơ thể của binh sĩ bắn tung tóe và một mảnh đạn găm vào ngực của Hagel. Tom Hagel đã băng bó cầm máu cho anh trai Chuck. Rồi vào tháng 4 năm đó, Chuck lại cứu em trai khi xe bọc thép của hai anh em, với Tom trên tháp pháo, một lần nữa vướng mìn.
Hagel cuống cuồng kéo người em trai đang ngất ra khỏi đống đổ nát, bởi biết rằng chiếc xe có thể sớm phát nổ. Khi màng nhĩ của hai anh em gần như nổ tung, khuôn mặt ông Hagel đã bị cháy xém và sau đó hai người đã được cáng đến một bệnh viện dã chiến.
Qua mấy thập kỷ, sự ủng hộ chiến tranh của ông Hagel bắt đầu mờ nhạt dần, nhưng điều làm ông thay đổi nhiều nhất, như ông từng nói, là khi nghe lại các đoạn băng ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại, được công bố vào những năm 1990, của Tổng thống Lyndon B. Johnson năm 1964 thừa nhận rằng ông ta thấy cuộc chiến tranh là vô nghĩa. Năm 2007, ông Hagel nói rằng: “Sự gian dối đó thật kinh khủng, thực ra là tội ác"
Cuối cùng, Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến qua điểm của Hagel về chiến tranh.
“Tôi không phải theo trường phái hòa bình - Tôi tin vào việc sử dụng vũ lực, nhưng chỉ sử dụng vũ lực sau một quá trình hoạch định rất cẩn thận", Hagel nói với tạp chí Việt Nam. "Cái đêm hôm Tom và tôi được cáng ra khỏi ngôi làng đó vào tháng tư năm 1968, tôi tự nói với mình: nếu tôi ra khỏi nơi đây được và nếu tôi có vị thế để tác động vào chính sách thì tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để tránh chiến tranh vô ích và vô nghĩa”.
Ông Kerry, hiện 69 tuổi, sang Việt Nam tháng 11 năm 1968 khi còn là một trung úy hải quân và sớm được giao chỉ huy một chiếc tàu tuần tra dài khoảng 15 mét vỏ nhôm. Những con tàu này cày xới các con sông trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào ban đêm nhằm tiêu diệt các cứ điểm của đối phương cũng như cắt đứt đường tiếp tế.
Một vài tháng sau đó, trong một lần ông tham gia và được thưởng một Ngôi sao bạc, ông Kerry đã cho tàu cập bờ trong một cuộc chiến, đuổi theo và bắn một người thanh niên có súng cối mà họ cho là của đối phương. Năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn về hành vi của ông trong chiến đấu, Kerry nói rằng: “Nếu ai đó nói rằng trong lúc đánh nhau họ không sợ hãi,thì đó là nói không đúng sự thật".
Hai tuần sau trận đánh, ông Kerry đã cứu được một trung úy thuộc Lực lượng đặc nhiệm, người bị hất văng ra khỏi một chiếc tàu gần đó. Với hành động này ông được tặng một Ngôi sao đồng.
"Tất nhiên, chúng ta không ai muốn có một đám người chỉ biết về chiến tranh trên giấy", cựu nghị sĩ Cleland nói. "John và Chuck không như vậy, họ đều từng có những trải nghiệm đau xót về việc bị tống vào chiến tranh khi không thực sự cần thiết".
Phạm Ngọc Uyển (theo NYT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét