Một việc làm giúp người dân Trung Quốc hiểu rõ chủ quyền của Việt Nam
(VOV) - Việc các cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng tải thông tin về tấm bản đồ năm 1904 là đáng hoan nghênh. Nó giúp cho nhân dân Trung Quốc hiểu về chủ quyền của họ.
- Trung Quốc đưa tin về bản đồ nhà Thanh không có Hoàng Sa
- Hoàng Sa, Trường Sa không có tên trên bản đồ của Trung Quốc năm 1904
Ngay sau khi thông tin ngày 27/7, các phương tiện truyền thông Trung Quốc như Sina, Ifeng, Stockstar… đồng loạt đưa tin Việt Nam tìm thấy tấm bản đồ do nhà Thanh của Trung Quốc xuất bản năm 1904, chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, toà soạn VOV online đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, trong đó đa phần cho rằng, đây là một tấm bản đồ quý và việc giới truyền thông Trung Quốc đăng tải thông tin này có thể giúp người dân Trung Quốc có được cái nhìn xác thực, đúng đắn hơn về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Người dân thủ đô Hà Nội xem tấm bản đồ của Trung Quốc (năm 1904) chứng minh điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam (Ảnh: Việt Dũng - Tuổi trẻ)
|
Chứng cứ không thể phủ nhận về chủ quyền của Việt Nam
Việc TS Mai Hồng - nguyên Trưởng phòng Tư liệu Thư viện - Viện Hán Nôm Việt Nam vừa trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 mà ông đã lưu giữ suốt 30 năm qua được giới truyền thông Trung Quốc coi là một sự kiện.
Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản năm 1904 ghi rõ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Đây có thể là một tài liệu hết sức có giá trị để các học giả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo Việt Nam và quốc tế có thể khai thác, sử dụng.
Bản tin của đài Phượng Hoàng (Ifeng) tường thuật quang cảnh buổi lễ trao bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Ifeng dẫn nguyên văn lời tiến sĩ Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán - Nôm, về giá trị lịch sử và nội dung không thể chối cãi của bản đồ do chính Trung Quốc thực hiện.
Tờ Stockstar và trang tin quân sự của Sina giới thiệu tỉ mỉ về kích thước, lai lịch của tấm bản đồ, nói rõ bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Hoa.
Chỉ trong chưa đầy hai ngày đăng thông tin về tấm bản đồ này, các video về chủ đề này của Ifeng và Sina đưa lên trang web đã thu hút gần nửa triệu lượt xem, còn bản tin phát sóng trên truyền hình và các trang tin khác đưa lại còn thu hút thêm nhiều người xem khác nữa.
Một tư liệu cổ quý giá cần được bảo quản cẩn thận
VOV online xin trích đăng một số thư, trong hàng trăm email mà độc giả đã gửi về Toà soạn
Độc giả Lê Bá Tình, email: lebatinhhq@... cho rằng: "Chúng ta đang có một tài sản vô giá, vì vậy hãy bảo quản thật chu đáo tấm bản đồ này, cũng như dùng nó như một tư lệu quan trọng để giúp người dân Trung Quốc cũng như nhân dân trên thế giới có thể hiểu về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cảm ơn Tiến sĩ Mai Hồng rất nhiều!".
Cùng chung suy nghĩ trên, độc giả Trần Võ, email: thanhvovan98@... viết: "Việt Nam cần phải phổ biến rộng rãi thông tin về tấm bản đồ này trên thế giới bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, để dư luận thế giới hiểu rõ hơn về mặt pháp lý cũng như lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có như vậy, chúng ta mới góp phần bảo vệ được chủ quyền đích thực của Việt Nam".
Bạn Ngô Thanh Trình, địa chỉ ngothanhtrinh@... cho rằng: Chúng ta đã có đầy đủ chứng cứ pháp lý, những tấm bản đồ cổ và nhiều chứng cứ lịch sử khác luôn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta cần gửi các chứng lý này cho các nước và các tổ chức quốc tế... để các nước trên thế giới hiểu và ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Việc các cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng tải thông tin về tấm bản đồ là đáng hoan nghênh. Nó giúp cho nhân dân Trung Quốc hiểu về chủ quyền của họ. Việt Nam luôn trân trọng tình hữu nghị với Trung Quốc và mong rằng, chính phủ Trung Quốc luôn hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trong lịch sử, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam".
Độc giả La Văn Hùng lavanhun2011@... trong email gửi VOV online có viết: "Tấm bản đồ của nhà Thanh vẽ năm 1904 rất giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta phải kết hợp với nhiều cứ liệu lịch sử khác để hình thành nên sức mạnh, sự thật lịch sử không thể phủ nhận về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc nên nhìn lại lich sử và công nhận tấm bản đồ năm 1904 do nhà Thanh vẽ".
Độc giả Nguyễn Giang, nguyengiang0905@... viết: "Rất cám ơn Tiến sĩ Mai Hồng. Đây là bằng chứng rất quan trọng giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình. Hy vọng sẽ còn nhiều người hết lòng vì Tổ quốc như Tiến sĩ"./.
TAG
chủ quyền , Trường Sa , Hoàng Sa , Trung Quốc , Hải Nam , Email , bản tin , truyền thông , Quần đảo Trường Sa , biển Đông
chủ quyền , Trường Sa , Hoàng Sa , Trung Quốc , Hải Nam , Email , bản tin , truyền thông , Quần đảo Trường Sa , biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét