SGTT.VN - Dư luận đang rất quan tâm là liệu vấn
đề Biển Đông có được đưa ra thảo luận giữa Chủ tịch Trương Tấn
Sang và Tổng thống Putin trong chuyến thăm Nga hay không. Hiện nay
Nga đang là một trong vài nước lớn có quan hệ đối tác chiến lược với
Việt Nam.
>> TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Nền kinh tế đang như người ốm’>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 11: Kẻ sát nhân 20 năm trốn ra đảo
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đường đi thăm chính thức Liên bang Nga. Ảnh: TL
|
Trong chuyến thăm chính thức của bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Liên bang Nga theo lời mời của bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov từ ngày 29.6 đến 3.7, hai bên cũng đã lên tiếng nhắc lại rằng mọi tranh chấp tại Biển Đông nên được xử lý theo luật pháp quốc tế, nhất là theo Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. Theo đó, bộ trưởng Sergey Lavrov cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam bằng cách kêu gọi nhanh chóng xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc đối với các bên về tranh chấp trên Biển Đông COC.
Một tờ báo mạng chuyên ngành có uy tín tại Nga cũng vừa đăng một bài nhìn nhận về những căng thẳng đang xảy ra trên Biển Đông, kèm theo một lời “cảnh báo” rằng “trong trường hợp Trung Quốc muốn tiến tới, nước này sẽ gặp phản ứng không chỉ từ phía Việt Nam, mà cả Nga và Hoa Kỳ”. Qua đó, có thể thấy rằng mặc dù Nga và Trung Quốc hiện vẫn đang là hai đối tác quan trọng của nhau và có sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều hồ sơ quốc tế để đối đầu với phương Tây, đặc biệt là trong vấn đề Syria và Iran, tuy nhiên Moscow lại đang nhìn nhận sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở châu Á – Thái Bình Dương với một thái độ nghi ngại, với sự lo sợ về vị thế của mình.
Trong khi những tín hiệu tích cực đến từ chuyến thăm chính thức của ông Phạm Bình Minh chưa hết nóng thì báo chí lại đưa tin Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược. Theo thông tin của bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thì chuyến thăm kéo dài năm ngày từ ngày 26 – 30.7. Trong đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau đó là Thủ tướng đồng thời là chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev, và các lãnh đạo cấp cao khác.
Có một điều đặc biệt trong chuyến đi này là các cuộc gặp và làm việc giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Vladimir Putin sẽ diễn ra tại thành phố nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen. Đây là nơi mà đất nước Nga luôn dành để đón tiếp lãnh đạo của các cường quốc hoặc những quốc gia có quan hệ thân thiết và tin cậy. Điều này đã làm cho dư luận đoán được rằng ông Putin đang có thái độ coi trọng Việt Nam như thế nào.
Hiện nay Nga đang là một trong vài nước lớn có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Cơ chế đối thoại chiến lược Ngoại giao – an ninh – quốc phòng thường niên hoạt động đều đặn và hiệu quả. Việt Nam cũng là một trong những đối tác mua vũ khí nhiều nhất của Nga. Liên tục trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam nhiều vũ khí tối tân như máy bay tiêm kích Su-27, Su-30, hộ tống hạm Gepard, tàu ngầm lớp Kilo, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion và tổ hợp tên lửa S300. Đặc biệt hơn khi đa phần những vũ khí mà Việt Nam mua từ Nga đều nhằm để phòng vệ biển, nhất là trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang leo thang như hiện nay.
Qua hơn 60 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao tính từ thời Liên Xô, có thể nói rằng hai nước hoàn toàn có thể đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới, đặc biệt là khi hai bên sẽ ký một loạt văn kiện hợp tác song phương. Việc nâng tầm hợp tác rõ ràng rất có lợi cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông khi chắc chắn nhờ đó mà Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự hậu thuẫn từ Nga – một nước mà Trung Quốc có liên quan nhiều lợi ích lớn.
Nghĩa Huỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét