Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

TRUNG QUỐC VỚI GIẤC MƠ "VẬN MỆNH LỊCH SỬ"

Trung Quốc và giấc mơ 'vận mệnh lịch sử'

Mỹ đã thể hiện sự chuyển biến thái độ về các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trước các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Một đội tàu chiến Trung Quốc vừa thực hiện cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương - Ảnh: Navy.81.cn
Một đội tàu chiến Trung Quốc vừa thực hiện cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương - Ảnh: Navy.81.cn 
Trong tuần qua, giới chức Mỹ đã đưa ra tuyên bố thẳng thừng về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông. Trong cuộc điều trần trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 5.2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Danny Russel nói rằng “đường 9 đoạn” trái với luật pháp quốc tế và yêu cầu Trung Quốc làm sáng tỏ, qua đó chấm dứt sự nhập nhằng quan điểm về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Trước nay, Washington chủ động tránh dính líu và không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông mà thay vào đó chỉ tuyên bố về lợi ích của Mỹ trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải tại đây. Điều ấy được thể hiện qua phát biểu năm 2010 của Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, bà Hillary Clinton.
Đáng chú ý là chỉ một ngày trước phiên điều trần của ông Russel, một quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng đã cảnh báo những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Đông Á được thúc đẩy bởi niềm tin về vận mệnh lịch sử, theo AFP. “Họ hết sức hung hăng trong việc áp đặt điều họ tin là vận mệnh hiển nhiên của họ”, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper nói trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện về các nguy cơ toàn cầu.
Vận mệnh hiển nhiên 'và học thuyết Monroe'
Việc sử dụng từ 'vận mệnh hiển nhiên' (manifest destiny) của ông Clapper không khỏi gây ra liên tưởng giữa lịch sử bành trướng của Mỹ với những nỗ lực của Trung Quốc trong hiện tại. Cùng với “học thuyết Monroe”, “vận mệnh hiển nhiên” là một trong những khái niệm cột trụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở thế kỷ 19. Khởi thủy, “vận mệnh hiển nhiên” là một niềm tin rằng nước Mỹ có sứ mệnh thần thánh trong việc đem lại “ánh sáng văn minh” cho các vùng lãnh thổ khác ở Bắc Mỹ. Sau này, cụm từ “vận mệnh hiển nhiên” được sử dụng chủ yếu để đề cập đến chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ của Mỹ. Trong nửa cuối thế kỷ 19, khái niệm này được dùng như biện hộ cho việc thôn tính lãnh thổ từ bờ biển Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và xa hơn nữa, gồm cả Alaska, quần đảo Hawaii và Philippines.
Nếu như “vận mệnh hiển nhiên” được dùng để biện hộ cho sự bành trướng của Mỹ thì “học thuyết Monroe” cùng những hệ luận của nó được xem là nỗ lực thiết lập vùng ảnh hưởng tại Tây bán cầu. “Học thuyết Monroe” được Tổng thống James Monroe (nhiệm kỳ 1817 - 1825) đề ra vào năm 1823 như một chính sách về trật tự chính trị mới ở phần còn lại của châu Mỹ và vai trò của châu Âu ở Tây bán cầu. Học thuyết này tuyên bố các quốc gia châu Âu cần chấm dứt thuộc địa hóa châu Mỹ và nỗ lực can thiệp vào khu vực sẽ bị xem là hành động xâm lược. Đổi lại, Mỹ sẽ không can thiệp vào các vùng thuộc địa có sẵn của các nước châu Âu ở châu Mỹ. Về sau, học thuyết Monroe được biến đổi với “hệ luận Roosevelt” để thực thi chủ nghĩa can thiệp và vai trò “sen đầm quốc tế” của Mỹ.
Một số sử gia cho rằng “vận mệnh hiển nhiên” và “học thuyết Monroe” có sự gắn kết chặt chẽ. Theo sử gia người Mỹ Walter McDougall từng đoạt giải Pulitzer, “vận mệnh hiển nhiên” là một hệ luận của “học thuyết Monroe” vì sự bành trướng được xem là công cụ để áp đặt học thuyết Monroe. Do vậy, ngày nay khi nhắc đến khái niệm “vận mệnh hiển nhiên” hay “học thuyết Monroe” người ta thường nghĩ ngay đến chủ nghĩa bành trướng và áp đặt ảnh hưởng của một quốc gia tự nhận là ngoại hạng.
Học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc
Giữa lúc Bắc Kinh có vẻ như chấm dứt chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình trong vài năm qua, một số nhà bình luận đã bắt đầu đề cập đến một “học thuyết Monroe” kiểu Trung Quốc, đặc biệt sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề cao khái niệm giấc mơ Trung Quốc và sự phục hưng một Trung Quốc vĩ đại. Dù chưa có một khái niệm dứt khoát về giấc mơ Trung Quốc, nhưng hầu hết đều đồng thuận ở một khía cạnh của nó là thể hiện vai trò quân sự mạnh mẽ hơn trên thế giới.
“Học thuyết Monroe” kiểu Trung Quốc cũng thể hiện qua việc mở rộng vùng ảnh hưởng ra Ấn Độ Dương, với chiến lược mà truyền thông Ấn Độ thường gọi là “chuỗi ngọc trai”, tức một chuỗi các hải cảng thuộc tầm ảnh hưởng địa chính trị tiềm tàng của Trung Quốc xuyên qua biển Đông và men theo bờ biển Ấn Độ Dương đến tận châu Phi.
Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển, công cuộc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội kèm theo sự tự tin lớn dần của chính phủ, quân đội Trung Quốc bắt đầu đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc định ra khu vực lợi ích trên biển. Điều này thể hiện qua một loạt các động thái trong thời gian qua, chẳng hạn như việc gia tăng hoạt động tuần tra và hoạt động quân sự tại biển Đông hay thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh cũng lấn tới với quy định của tỉnh Hải Nam về việc quản lý đánh bắt ở gần trọn biển Đông.
Dù có một số thời điểm căng thẳng bùng phát, như vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines, Trung Quốc ít vấp phải thách thức thật sự trong quá trình này. Bất chấp những lời lẽ chỉ trích gay gắt lúc bấy giờ, Trung Quốc trên thực tế đã kiểm soát bãi cạn Scarborough. Và dù Mỹ có điều oanh tạc cơ B-52 đến thách thức ADIZ do Bắc Kinh lập nên, phần lớn các hãng hàng không thương mại đều quyết định báo cáo kế hoạch bay cho Trung Quốc khi bay ngang khu vực. Những động thái trên rõ ràng nằm trong một chiến lược dài hạn nhằm dần dần thay đổi hiện trạng tại các vùng biển ở Đông Á cũng như vươn ra Ấn Độ Dương mà chính giới Mỹ mới đây đã lên tiếng báo động.
Nhận xét của ông Clapper về giấc mơ “vận mệnh hiển nhiên” của Trung Quốc cũng từng được thượng nghị sĩ John McCain ám chỉ đến qua phát biểu vào cuối tháng 1: “Đây là vấn đề của một mối đe dọa đang trỗi dậy hoặc thách thức hòa bình và an ninh ở châu Á vì một niềm tin sâu sắc trong giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Trung Quốc phải và sẽ giành lại vai trò thống trị mà họ từng có cách đây hai ngàn năm ở châu Á”. Sự biến chuyển về cách tiếp cận của các quan chức Mỹ có thể gợi ý về một thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong thời gian tới. 

Mỹ cam kết bảo vệ Nhật trước Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7.2 cam kết Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trước mọi cuộc tấn công của Trung Quốc, kể cả tấn công vào quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ở Washington, ông Kerry tái khẳng định hiệp ước an ninh năm 1960 giữa hai nước, vốn quy định Mỹ phải bảo vệ Nhật nếu Nhật bị tấn công. “Điều đó áp dụng với biển Đông”, ông Kerry nói nhầm trước khi sửa lại thành biển Hoa Đông, nơi Nhật và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền, theo AFP.
Sơn Duân


Không có nhận xét nào: