Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

BÀI TRÊN TRANG BẠN : NHẨN NHA - HOÀNG HẢI PHƯƠNG

CHI TIẾT NGUYỄN QUANG SÁNG

Chú bé Thuận vừa ra khỏi túi nilon trong "Cánh đồng hoang "

    1.Chiều 16/2 /2014 ,nhiều người tiễn đưa nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhẹ nhàng đến nơi hỏa táng tại nghĩa trang Đa phước.Sự kết thúc của ông thật hoàn hảo như ước nguyện  " sống khỏe cho đến lúc chết ",khi trước buổi trưa hôm ấy ông đã làm vài ly rượu rồi ngủ một giấc để ra đi thanh thản.Theo như ông đùa lúc thọ 70 tuổi , ông đã lời 13 năm trên dương gian.
   Thế là một nhà văn "rặt ri" chất Nam bộ phóng khoáng ,ngang tàng,có tài kể chuyện hóm hỉnh đã rời cuộc chơi của một "dân chơi" thứ thiệt.Với sự bộc trực đầy nghĩa khí của "lưu  dân"vùng đất mở cõi ,từ năm 1946 ông đã hăm hở xung phong vào bộ đội, làm liên lạc cho đơn vị Liên chi 2 khi mới 14 tuổi và trụ được qua hiểm nguy cho đến ngày kết thúc chiến tranh.
    Ông là lứa nhà văn được cách mạng phát hiện , đào tạo và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.Được học tiếp phổ thông trong chiến khu rồi về công tác tại các cơ quan văn hóa ,sau đó ra Bắc được học tại Trường viết văn Nguyễn Du.Lúc kháng chiến chín năm, do vốn sống thực tế ngồn ngộn  thúc đẩy,lại được nhà văn Sơn Nam khuyến khích, ông tự viết ra tác phẩm đầu tay "Đất lửa " khi mới 20 tuổi. Khi ra miền Bắc được tiếp thu mở rộng kiến thức và học hỏi cũng như góp ý trực tiếp của các đàn anh đi trước rất nghiêm túc nhưng lại.chân tình. Nguyễn Tuân cho rằng "lạ" với "Con chim vàng"; Nguyễn Công Hoan khen "Đất Nam bộ là đất tiểu thuyết" khi xem "Đất lửa" nhưng Văn Cao lại cho "cậu viết hiền quá"...Chính nhờ đó ông chuyên nghiệp hơn khi bắt đầu  sáng tác  mới nên nổi danh ngay với  "Con chim vàng" năm 1957  ; tiếp đó "Ông Năm Hạng"và "ÔngTư Quắn" được giải thưởng năm 1959.Sau này ông càng thận trọng và miệt mài hơn khi viết ,"từng trải  mười mới viết một" nên các tác phẩm của ông đứng được trong lòng bạn đọc.Trung thực và không nhiều lời khen chê người khác,ông cho rằng thành công của mình là động lực cho những học sinh không giỏi văn và thật thà khi cho rằng đã học mỗi người một ít,như ở Nguyễn Công Hoan ông học  từ "Cây mít"khi viết "Con chim Vàng ".Bây giờ thật khó có môi trường để phát hiện và bồi dưỡng các ngòi bút trẻ như thế !
   Sau này khi là Trưởng ban chấm giải Văn học tuổi 20 lần II của Nhà xuất bản Trẻ,ông đã phát hiện ra nhà văn đậm chất Nam bộ mới Nguyễn Ngọc Tư.
      2. Do thời cuộc biến chuyển  ,ông tham gia  cách mạng một cách tự nhiên như cuộc chơi của anh Tư già,Nguyễn Khắc Trung ( Dân chơi),Bảy Ngàn ( Một chuyện vui)... nhưng không lên gân hoặc đẩy sự kiện lên quá mức bình thường.Năm 1966 chiến tranh chống Mỹ khốc liệt,ông vào Nam tham gia "đi và viết".Khi đứa cháu ruột hỏi "Bác có sợ không ?" , ông trả lời"vừa sợ vừa hăng" .Tưng tửng vậy ,cũng bị B52 dội "vào sinh ra tử "như ai nhưng kết thúc chiến tranh ,ông không bị sứt mẻ chút gì .Sau thống nhất đất nước  ,ông cũng làm quan văn hóa liên tục .Tuy nhiên ông không nhiễm thói quan chức cũng như nếp cẩn trọng ,kín đáo ,tinh tường quá khi sống qua miền Bắc  mà rất gần gũi , cởi mở, dễ hòa đồng, thích giao du bạn bè đủ mọi giới, mọi lứa tuổi;nhất là thích la cà với giới nhạc sĩ và bạn trẻ thích sáng tác.  
      Về cơ bản ông vẫn mang tính cách một người Nam bộ bộc trực và huỵch toẹt, lăn xả và phóng khoáng, thông minh và dí dỏm ,rất tiêu biểu và cũng đặc biệt của đất phương Nam ! Mặc dù công việc quản lý và giao du với bạn bè lu bù vậy nhưng ông vẫn dành thời gian buổi sáng hàng ngày để cặm cụi viết.Vì thế từ năm 1957-2013 ,ông viết và in liên tù tì nhiều tác phẩm văn học và kịch bản điện ảnh nổi tiếng ,được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tê rất đáng nể.
     Sáng tác của ông đa dạng từ các ngóc ngách cuộc chiến đến vết thương hậu chiến và thời nhộn nhạo kinh tế thị trường.Viết một cách “truyền thống” không cầu kỳ, nhưng tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng luôn cập nhật đời sống đương đại, luôn cho thấy một khả năng quan sát tinh tường cùng những nhận xét sắc sảo của một “nhà kể chuyện đời”.
     Do thận trọng nghiền ngẫm và không chạy theo danh hảo nên hơn 10 năm sau ,năm 1963 ông mới bắt tay vào viết lại toàn bộ tiểu thuyết đầu tay "Đất lửa".Thời điểm đó phải nói tác giả là người có bản lĩnh khi mạnh dạn đề cập đến những vấn đề phức tạp, tế nhị của tôn giáo và cách mạng.Đấy là  tài năng ,sự trung thực và dũng cảm của tác giả khi còn trẻ lại sống trong không khí sáng tác hồ hởi của miền Bắc  lúc bấy giờ.Hiếm thấy tác giả nào thời ấy đề cập đến một trong những cán bộ tham gia khởi nghĩa Nam kỳ thất bại lại hoang mang theo đạo ,bị gài bẩy quay lại giết đồng chí mình như Tư Trịnh ;đề cập đến tình yêu đôi lứa ,lo sợ trước cuộc chia tay nên Hằng đã trao thân cho Phát;sự mâu thuẫn trong nội bộ Việt minh giữa chỉ huy Bảy Thâm và chính tri viên- “những thằng đánh giặc bằng miệng – mặt gà mái”.
     " Chiếc lược ngà " là bi kịch hy sinh tình cảm gia đình cho đất nước,sự tiếp nối truyền thống cha ông đánh giặc cứu nước ."Dân chơi " đa dạng những người tham gia cuộc chiến: cô giao liên dũng cảm ,anh văn nghệ sĩ tiểu tư sản,chàng trí thức lãng tử ở đô thị .Chuyện  chiến sĩ công sản kiên trung trong "Quán rượu người câm"; cô gái đi ở đợ trở thành một biệt động dũng cảm trong đô thị tạm chiếm (Chị Nhung); anh nông dân hóm hỉnh trong "Một chuyện vui" .Rồi chuyện hòa giải hòa hợp của gia đình có hai bên tham chiến trong "Vểnh râu";giữ được bản chất người cách mạng trong "Về lại bức tranh xưa";sự tầm mua  bức tranh quý của tay buôn chuyên nghiệp ngay sau ngày mới giải phóng trong "Con mèo của Foujita";rồi chuyện "Đổi nghề "cũng như mảng tối thời chạy theo cơ chế thị trường nơi "Con ma da " ...
    Truyện của ông bao giờ cũng  tỉnh táo ,chừng mực và đầy ắp hơi thở cuộc sống nhưng trung thực như lời bà nội ông dặn "Cho nên, biết thì nói, không biết thì đừng nói theo lời người khác, chết oan đó, các con!” ( Con chim quên tiếng hót )!
     Khi "Chiếc lược ngà " chưa được tuyển vào SGK phổ thông,chúng tôi đã hào hứng với thần tượng Ái Vân vào vai Chị Nhung trong phim cùng tên ,chuyển thể từ tác phẩm của ông.
      Trong phim, chị Nhung là một sắc đẹp nổi bật kiểu Tây phương, đài các với cổ kiêu ba ngấn, tóc vấn cao, mũi cao da trắng rất đối lập với bối cảnh. Vậy mà từ màn ảnh bước ra, chị Nhung của Ái Vân lập tức trở thành  hot , với những tấm ảnh chân dung chui tọt vào ví của những thanh niên Hà Nội thời bấy giờ.40 năm sau, Ái Vân lý giải: "Hồi đó đời sống lam lũ, nên hình ảnh đường phố Sài Gòn, cô gái Sài Gòn mặc áo cổ thuyền, vấn tóc và ăn mặc hiện đại làm khán giả lạ lẫm thích thú" . Tôi vẫn lẩn thẩn tự hỏi,không biết có bao nhiêu chàng trai vì mơ ước được gặp cảnh cho người đẹp mượn dép như anh bộ đội trong phim để thêm phần hăng hái tòng quân ra trận không?  
               3. Ngyễn Quang Sáng là người kể chuyện tài ba. Mỗi câu chuyện, dù bình dị, dù nhỏ bé tới đâu, qua cách kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng đều bật sáng lên một cách sinh động, thu hút và luôn níu giữ người đọc cho tới dòng cuối cùng. Chính khả năng cấu trúc chặt chẽ một câu chuyện khi viết văn xuôi đã giúp nhà văn Nguyễn Quang Sáng thành công khi viết kịch bản phim . Nếu bây giờ phim Cánh đồng hoang đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam, thì công lao của nhà viết kịch bản Nguyễn Quang Sáng là rất lớn.
           Ông  là người hay tụ tập uống rượu với bạn bè, trông cứ như chơi chơi, nhưng không một chi tiết nào lọt khỏi mắt ông. Đó là năng lực cảm nhận đặc biệt của một nhà văn. Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn xuôi bẩm sinh. Trong mỗi câu chuyện đời giản dị mà Nguyễn Quang Sáng kể, ta như nghe được những âm thanh quen thuộc và lạ lùng của đời sống, ta như thấy được những cảnh vật quen thuộc mà sao ám ảnh. Đó là cuộc sống luôn luôn tươi mới diễn ra xung quanh ta !
           Đó là chuyện "phản tỉnh " của anh bộ đội khi chỉnh quân phải khai ra làm người yêu ở xứ Thanh  sợ không cho xáp vô(Người bạn lính).Chuyện máy bay cán gáo chỉ bắn đến trái pháo thứ 4 là hết làm tàng nên anh Bảy Ngàn đứng lên xuồng show hàng chọc quê chúng (Một chuyện vui).Đấy là do tính ham vui mà anh Tư già và tác giả thoát chết khi qua một trạm giao liên ác liệt( Dân chơi).Chuyện cô gái theo giao liên vô rừng cưới chồng không may bị chết bom hay sự bứt rứt khi nói thêm lúc báo cáo danh hiệu anh hùng (Ngưởi bạn lính) .Chuyện con gà lai cha rắn mẹ gà đấu với con gà sanh đôi  bị thua vì "làm gì cũng phải có chỉ huy chớ anh !"(Gà sanh đôi).Đó là chuyện "lấy máu trong gân tiêm vào mông đẻ chữa bệnh ghẻ ngứa "hay cá rô gộc tại sao gọi là "cá rô ăn đủa nằm" (Về bức tranh quê)...Quả như nhìn nhận của Nguyễn Tuân: “Sáng như con chim vàng sải cánh trên cánh đồng lúa mênh mông của Nam Bộ, có thể bay cao đó!”.
            Nguyễn Quang Sáng rất giỏi khi phát hiện ,lựa chọn chi tiết làm điểm nhấn ,làm bật sáng lên tác phẩm.Nhà thơ Trần Đăng khoa khi nhận xét về phim Cánh đồng hoang cho rằng “Có thể nói chất của Nguyễn Quang Sáng đã được bừng sáng trong các tác phẩm đó. Trong đó có chi tiết rất độc đáo đó là khi địch ào đến thì vợ chồng du kích và đứa con mới vài tháng tuổi phải lặn xuống nước để trốn. Đứa trẻ nhỏ phải cho vào trong túi ni lông rồi túm lại để cho xuống nước. Đó là một chi tiết rất đắt và vô cùng ấn tượng. Đó là chi tiết đã ăn sâu trong tâm trí tôi khiến tôi nhớ nhất trong toàn bộ bộ phim đó. Đó là bộ phim bộc lộ rõ nhất tài năng đến từng chi tiết đều rất độc đáo của Nguyễn Quang Sáng”.
             Nhờ tự học và giỏi quan sát thực tế từ chiến trường mà ông phát hiện ra những chi tiết độc đáo: thời đánh Pháp đi qua cánh đồng ban ngày mới nguỵ trang, còn chống Mỹ thì cả ban đêm cũng phải ngụy trang vì máy bay trực thăng luôn soi đèn, thả trái sáng; tắm sông tắm suối không được để dợn sóng; hoặc chuyện con gà trống không được quyền gáy; chuyện người bạn anh hùng sắp sáng vì nghe đạn nổ xa nên "lên cò mổ liền mấy phát " làm vợ khen "anh đúng là anh hùng".Hay các chyện sau này như chi tiết râu vểnh của cậu em ruột,chiếc kiềng sắt chống ma da,cái gáo mù u để múc nước cốt dừa … Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đúc kết: “Nếu không có chi tiết thì truyện sẽ không thành truyện, nó như một đề cương, rất đại khái”.
          4.Bạn bè rất mê cái nết uống rượu của Nguyễn Quang Sáng là không được nói xấu người vắng mặt.Ngồi với lớp hậu sinh, ông vẫn có thói quen trào lộng bản thân một cách vui nhộn. Ông kể khi mới thống nhất đất nước ,ông về làng .Ai cũng hỏi làm gì ,ông bảo làm nhà văn ,họ ngạc nhiên hết sức.Ông cười bảo :"Biết sao không? Hàng xóm cứ thắc mắc: Người ta đi theo cách mạng trở thành tướng tá hoặc quan chức, sao mày theo cách mạng lại thành nhà văn!"
            Để  có được văn nghiệp đáng tự hào như hiện nay, với Nguyễn Quang Sáng là cả một chuỗi những tháng ngày lao động cực kỳ nghiêm khắc. Thời chiến tranh ông đi B ,về chiến trường Nam bộ ác liệt.Khi giải phóng miền Nam,ông và nhà văn Nguyễn Minh Tuấn lúc vừa  xuống Tân Sơn Nhất đã  không đi ôtô mà bị ông dụ cùng  thuê xe xích lô máy chạy quanh các quận. Ông bảo: “Phải đi thế này mới quan sát hết được”. Sau này thỉnh thoảng ,ông vẫn lẳng lặng vắng nhà một thời gian, đi đó đi đây, vừa thực tế nông thôn, vừa tìm cảm hứng sáng tác.
            Mặc dù làm quan nhưng ông không tạo ra khoảng cách với mọi người.Người ta kể khi Bùi Giáng gặp ông ở Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, Bùi Giáng nhảy từ xích lô xuống chào “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trẫm xin chào vua” (gọi là “vua” vì ông đang là Tổng thư ký Hội) rồi xin “có tiền cho tớ một mớ”.Chăc là ông đáp ứng phần nào yêu cầu rất đặc biệt này vì Bùi Giáng ít khi ngửa tay xin tiền ai !
           Chuyện còn kể rằng,một lần hồi còn bao cấp nhậu quắc cần câu nhưng ông vẫn chạy chiếc xe Honda dame về đến cổng gần nhà.Dựng chiếc xe mất chống vào gốc cây,ông đập cửa gọi nhưng lại nhầm nhà hàng xóm.Ông vội quay ra định dắt xe, thì thấy chiếc xe gắn máy đã bị một thanh niên ở trần, mặc quần xà-lỏn hốt lẹ. Xe rồ máy, xì khói lao đi vun vút. Ông chết lặng rồi như sực nhớ điều gì,vừa móc bóp vừa tất tưởi chạy theo tên cướp ,miêng kêu khẩn  thiết “Nè, nè…”.Mọi người chạy ra khuyên ,thôi bỏ đi .Ông đáp lại,định chạy theo đưa luôn cái cà-vẹt xe cho nó mà nó tưởng đuổi bắt nên nẹt ga dữ quá .Ai cũng chưng hửng ,thương ông quá chừng !
         Sống hết mình chơi hết ga ,dường như ông biết trước và chuẩn bị cho chuyến đi  xa này rất chu đáo.Cho là được , ta như thấy ông cười sang sảng bên đàn anh và bạn văn ở nơi chín suối,rồi nâng ly rượu xoay chừng lên uống một cái "ót" thật ngọt ! 

Không có nhận xét nào: