Giữa
lúc cả nước sục sôi với các “đại án kinh tế”, những hình ảnh hoành
tráng về khu “biệt thự gia đình” dễ đưa tới phản ứng bất bình trong công
chúng mà quên đi khía cạnh pháp lý của vấn đề.
>> Trốn sang Mỹ, đường thoát thân của sếp lớn tội trọng?>> Nhà máy điện trên nóc nhà
>> 6 bước tạo ảnh Voice Out đẹp
Có điều gì chung giữa việc người tù trưởng miền Tây Nguyên tiến hành
một cuộc chiến tranh chiếm người, chiếm đất hàng ngàn năm trước, cho đến
việc tỷ phú Bill Gates muốn mua một hòn đảo của Hy Lạp với giá 200
triệu USD vào năm 2011?
Câu trả lời là nhu cầu chiếm hữu, tư hữu
một tài sản, điều mà trải suốt lịch sử phát triển của nhân loại, từ đông
sang tây, từ triết học đến thực tiễn, đã chứng kiến và thừa nhận rộng
rãi như là một phần tối quan trọng trong đời sống của con người.
Trong rất nhiều thứ mà con người muốn chiếm hữu, thì một hang đá ấm áp
thời tiền sử cho đến một lâu đài lắp bồn tắm Mikazuki 1,1 triệu USD mỗi
chiếc, luôn là một trong những lựa chọn quan trọng nhất. Mái ấm, suy cho
cùng, vẫn là một nhu cầu cần được trân trọng.
Tài sản quan chức và công luận
Mấy ngày qua, công luận có dịp ồn ào với việc, một tờ báo đưa tin ông
Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra nhà
nước, tiến hành xây dựng một “biệt thự gia đình” ở quê nhà, trên một
diện tích được chính ông Truyền xác nhận là hơn 1 ha.
Câu chuyện
khiến nhiều người liên tưởng đến các khu “biệt thự quan chức” khác từng
được đề cập đến, nhưng trường hợp biệt thự nhà vườn một quan chức Hải
Dương mới đây, hay chuyện một quan chức cấp quận từng mua… 5 căn biệt
thự tại Hà Nội.
Giữa lúc cả nước sục sôi với các “đại án kinh
tế”, những hình ảnh hoành tráng về khu “biệt thự gia đình” dễ đưa tới
những phản ứng bất bình trong công chúng mà quên đi khía cạnh pháp lý
của vấn đề.
Câu hỏi đặt ra là, nếu một quan chức cấp cao như ông
Truyền, người có nhiều năm nắm giữ các chức danh cấp cao, có con làm
“đại lý bán bia Sài Gòn”, sở hữu một tòa biệt thự được xây trên lô đất
“từng bị hoang hóa và được mua với giá rẻ”, thì có gì là bất thường
không?
Câu trả lời là không! Trên phương diện pháp lý, nếu không
chứng minh được căn biệt thự được xây dựng bằng những nguồn tiền/tài sản
bất hợp pháp, mọi chỉ trích sẽ trở nên vô duyên và cách đặt vấn đề của
báo giới, theo đó cũng là vô nghĩa.
Thật tiếc, lối suy nghĩ rằng
một quan chức thì không nên và không thể giàu có, không được phép thụ
hưởng những giá trị vật chất cao cấp, vẫn ngự trị trong một bộ phận công
chúng.
Nếu những thành phần tinh hoa trong xã hội, từ doanh
nhân, nhà khoa học, vận động viên giỏi và cả các quan chức, vẫn chỉ có
thể thụ hưởng những điều kiện bình thường nhất theo hướng “bình quân chủ
nghĩa”, chúng ta lấy đâu động lực phấn đấu cho mỗi cá nhân?
Và
nếu xã hội vẫn nhìn những ngôi biệt thự bằng ánh nhìn nghi ngờ và soi
mói, động lực nào để chúng ta phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu
nước mạnh? Thật bất công khi một cựu quan chức một đời gom góp để cất
được một căn biệt thự ở quê nhà, tự dưng lại phải đứng trước một tòa án
công luận với một bản án tai tiếng treo lơ lửng.
Ân xá kinh tế và làm giàu
Năm 2009, các chuyên gia của Đại học Harvard, trong loạt khuyến nghị
gửi lên Chính phủ Việt Nam, cảnh báo rằng những doanh nghiệp tư nhân
giành được những “lô đất vàng” ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh chắc chắn
phải có mối quan hệ mật thiết với một số quan chức nhà nước.
Về
bản chất, quá trình này không khác nhiều lắm so với quá trình bòn rút
tài sản công thông qua tư nhân hóa đại trà ở Nga vào đầu những năm 1990,
mặc dù theo các chuyên gia Harvard, ở Việt Nam, “quá trình này xảy ra
với tốc độ chậm hơn và mức tập trung của cải vào trong tay một thiểu số
thấp hơn”.
Không ai lên tiếng thừa nhận, không một thống kê nào
được công bố, nhưng một quá trình “tích lũy tư bản”, như khuyến cáo của
nhóm chuyên gia, đã âm thầm diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt đậm
nét qua những cơn bão mang tên chứng khoán, bất động sản và đầu tư công.
Những ngày gần đây, liên tiếp có những đề xuất về việc cần thiết phải
tiến hành “ân xá kinh tế”, giải phóng các tài sản đang nằm ở đâu đó để
khơi lại dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Bằng cả lý thuyết và thực
tiễn, các chuyên gia như ông Nguyễn Trần Bạt tin rằng trong bối cảnh
hiện nay, cần có giải pháp để đưa các nguồn lực ngầm ra ánh sáng bằng
cách ân xá và công nhận, thay vì truy tìm và trừng phạt.
Điều gì
là có lợi hơn giữa việc các quan chức về hưu, hoặc đem số vốn tích cóp
được, cả nguồn vốn sạch hoặc không sạch, đầu tư vào nền kinh tế theo
nhiều hình thức khác nhau, hoặc mua một hũ vàng chôn giấu để chờ đợi một
cơ hội khác?
Người viết bài này đã có dịp rong ruổi từ Nam chí
Bắc, chiêm ngưỡng những dinh thự hoành tráng gấp nhiều lần căn biệt thự
của ông Truyền, ngắm những chiếc siêu xe vài triệu USD mà đôi khi chủ
nhân chỉ là một chủ đầm tôm hay một “trùm nuôi vịt” xuất sắc.
Nhưng ngoài xã hội, không chỉ là các quan chức, các doanh nhân trần thân
trên thương trường, khi xây một khu biệt thự hay sắm một siêu xe cũng
bị chỉ trích, bị coi là đi ngược lại lợi ích của công chúng.
Một
xã hội mà về mặt lý luận đang hướng tới “nền kinh tế thị trường”, về
thực tiễn thì nhà nhà, người người đang động viên nhau “làm giàu không
khó”, có nên lúc nào cũng nhìn những biệt thự hay siêu xe bằng con mắt
ngờ vực?
Câu trả lời nằm trong thái độ ứng xử của mỗi chúng ta,
trong cách thức mà truyền thông đã và đang định hướng công luận, trong
mỗi bài viết mà các nhà báo đang thực hiện mỗi ngày. Một nền truyền
thông có trách nhiệm sẽ phải tự nhìn thấy điều ấy, để không biến mình
thành một lực cản vô hình đối với sự phát triển.
Hoàng Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét