Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

PHẠM DUY VÀ KHÁT VỌNG HÒA BÌNH THỐNG NHẤT

Phạm Duy và khát vọng hoà bình, thống nhất
 
10:15 | 01/02/2013
 
Hơn 70 năm rong ca và sáng tác Phạm Duy để lại khoảng một ngàn ca khúc, trong đó có khá nhiều “bài ca không quên”, những bài ca đi tận cùng với thời gian và cuộc sống. Ông được tôn vinh là người viết tình ca hay nhất. Nhưng âm nhạc Phạm Duy không chỉ là yêu người, là tình yêu lứa đôi, mà vượt lên trên hết là tình yêu đất nước, được thể hiện ở khát vọng hoà bình, thống nhất trong rất nhiều ca khúc.

Phạm Duy và khát vọng hoà bình, thống nhất
Mới đây, vào tối 16-9-2012, tại giảng đường I Trường ĐHSP Huế, đêm nhạc Tôi yêu tiếng nước tôi được Đoàn Đại học Huế và Nhóm Những người bạn cố đô Huế tổ chức thành công mỹ mãn. Đây là chương trình đầu tiên của Phạm Duy đến với sinh viên của một trung tâm đại học lớn kể từ ngày ông trở về Việt Nam định cư. Chương trình nhằm tạo cơ hội cho sinh viên Huế tiếp nhận một di sản nhạc Việt Nam vốn đã thịnh hành trong đời sống âm nhạc của sinh Huế trước đây. Một nền âm nhạc cổ vũ cho tinh thần văn hoá dân tộc, cho tình yêu đất nước và yêu con người Việt Nam. Một tình yêu lớn từ rất lâu đã được Phạm Duy thể hiện trong ca từ của mình: Tôi yêu tiếng nước tôi, tôi yêu người nước tôi, và tôi yêu đất nước tôi. Chương trình góp phần giúp cho các bạn trẻ hướng đến một nền tân nhạc đậm đà bản sắc dân tộc.
Với Phạm Duy, tình yêu không trừu tượng mà rất rạch ròi, cụ thể. Yêu nước được khởi nguồn từ yêu giống nòi: Vì yêu, yêu nước, yêu nòi/ Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca (Tình ca). Trong phong trào đô thị miền Nam, những năm giữa thập kỷ 1960 Phạm Duy nổi tiếng với mười bài Tâm Ca, có nội dung kêu gọi hòa bình. Tiếp tục khai thác chủ đề yêu thương con người, khi phổ thơ bài Nhân danh của Nguyễn Đắc Xuân ông giữ đúng từng lời, chỉ chữa chữ “giết” thành chữ “cứu” ở lời thứ hai. Ông giải thích với tác giả thơ: “Thương nước phải thương nòi chứ? Sao lại cứ giết, em là Phật tử kia mà !”. Bài hát bày tỏ rất rõ quan điểm chống chiến tranh hủy diệt của Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam thời điểm đó.

Nhạc sĩ Phạm Duy và tác giả Thanh Tùng

 Năm 1954, ông vô cùng sung sướng khi quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ. Nhưng Hiệp định Genève lại chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Bắc – Nam. Khát vọng thống nhất được thể hiện trong một tổ khúc của Phạm Duy, khi hoàn chỉnh được ông đặt tên là Trường ca Con Đường Cái Quan.  Theo Phạm Duy, Con Đường Cái Quan là “Một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt”. Trường ca này của ông như là một bài ca thống nhất, một câu chuyện kể về “một lữ khách trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước”. Trong chương trình ra mắt Trường ca Hàn Mặc Tử, tại Học viện Âm nhạc Huế vào tối 25-5-2012, Giáo sư Trần Văn Khê bình luận: Năm 1975 đất nước ta mới thống nhất về lãnh thổ nhưng lòng người thì vẫn còn một bộ phận chưa yên. Cho nên khát vọng thống nhất vẫn là nỗi lòng canh cánh của nhiều người. Phạm Duy mong muốn thống nhất lòng người bằng con đường âm nhạc của mình.
Một đóng góp quan trọng của Phạm Duy là tìm tòi, sáng tạo trong vận hành giai điệu dân ca, để làm nên đặc thù dân ca Việt Nam; chuyển hệ dân ca để làm giàu tính dân tộc và vươn tới tính nhân loại trong âm nhạc. Khoảng giữa thập niên 1990 Phạm Duy cho con trai là Duy Cường về nước sưu tập các làn điệu dân ca, các ca khúc hay, đặc biệt là các ca khúc mang âm hưởng dân ca các vùng miền, về hòa âm phối khí, biểu diễn, đưa lên mạng quảng bá rộng rãi để nhiều người trên khắp thế giới biết đến nền âm nhạc vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một việc làm rất cụ thể, thiết thực, một bước chuẩn bị cho Ngày trở về thanh thản, tự tại của Phạm Duy. 
Với miền Trung, với Huế, Phạm Duy có khoảng 30 ca khúc mà “tín đồ” của ông không ai có thể quên như: Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Nước non ngàn dặm ra đi, Về miền Trung. Đó là hình ảnh miền Trung đau thương trong trong cuộc chiến chống Pháp với âm hưởng những điệu hò, điệu lý thân thương, da diết. Về miền Trung! Người về đây sống cùng người dân/Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn/ Đêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng/Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng…
Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Đức Tuấn hát với các bạn sinh viên Huế

Sang tuổi cửu tuần bút lực Phạm Duy vẫn sung mãn. Trong chương trình Tôi yêu tiếng nước tôi, ngoài những bài ca không năm tháng, những ca khúc thuộc loại kinh điển, Đức Tuấn đã thể hiện rất thành công bài Huế đa tình, một trong mười ca khúc Phạm Duy vừa phổ thơ Bích Khê, một thi sĩ cùng thời với Hàn Mặc Tử. Cảm hứng và tình yêu âm nhạc Phạm Duy của thế hệ sinh ra, lớn lên sau năm 1975 như trường hợp Phạm Đức Tuấn được truyền từ thế hệ trước, trong đó có sự ảnh hưởng trực tiếp của ba, mẹ anh. May mắn hơn, Đức Tuấn lại được tiếp nhận hồn Việt trong âm nhạc của Phạm Duy trực tiếp từ chính nhạc sĩ Phạm Duy.  Đức Tuấn thổ lộ, anh từng ao ước có một ngày được hát cho thật đã nhạc Phạm Duy. Và hôm ấy cơ hội đã đến với anh. Đức Tuấn đã hát say sưa, say đắm, hát hết mình, như sự hoá thân vào từng ca khúc: Kiếp nào ta yêu nhau, Ngày xưa Hoàng Thị, Tình hờ, Nghìn trùng xa cách, Màu tím hoa sim, Nương chiều, Ngày trở về. v.v...
Và dù đã ở tuổi 92, bạo bệnh đang rình rập, nhưng hôm ấy nhạc sĩ Phạm Duy vẫn lên sân khấu cùng Đức Tuấn và các bạn sinh viên Huế hát một đoạn trong ca khúc Tôi yêu tiếng nước tôi, bài hát kết thúc chương trình liên tục trong ba giờ đồng hồ, trong niềm hân hoan của những khán giả cùng thế hệ với Phạm Duy cho đến các bạn sinh viên vừa mới bước vào giảng đường đại học.

Huế, 28/1/2013
 THANH TÙNG  

Không có nhận xét nào: