Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

SỐC VỚI ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA


Sốc với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa



TT - Ai cũng sốc, ngỡ ngàng khi nghe Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-4.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chương trình, sách giáo khoa hiện nay có một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực, chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành - Ảnh: Như Hùng

Ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội)
Ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo)
“Toàn khẩu hiệu”, “thiếu khả thi”, “không giúp nhận diện được hình hài nền giáo dục VN mười năm tới”... Đó là những nhận xét của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình bày dự thảo.
Nặng dạy chữ, nhẹ dạy người
 
 
Khi xây dựng đề án, bộ dự trù kinh phí 34.275 tỉ đồng, bao gồm: thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất,thiết bị ở những trường còn thiếu

 NGUYỄN VINH HIỂN
(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
 
Theo ông Hiển, trong những yếu kém, bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện nay có “một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn...; nội dung chương trình, sách giáo khoa bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông”.
Chưa hết, “đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh. Phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu...”.
Vẫn theo trình bày của ông Hiển, “xu thế chung của chương trình giáo dục hiện đại là tích hợp và phân hóa cao; một mặt để hình thành năng lực vận dụng tổng hợp, mặt khác giúp học sinh phát triển những năng lực chuyên biệt; hạn chế số lượng môn học bắt buộc; ưu tiên cho tự chọn nội dung học tập nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân người học. Chương trình và sách giáo khoa hiện đại luôn yêu cầu vận dụng sáng tạo các tri thức đã học vào phát hiện và giải quyết các vấn đề thông qua các tình huống gần gũi, có thật trong thực tế nhằm giúp học sinh sống cùng cuộc sống của xã hội, đối mặt được với những thách thức có thật trong cuộc đời...”.
Lo về tính khả thi
“Để thực hiện đề án này cần bao nhiêu tiền?” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tôi lo nhất là tính khả thi của đề án, trong đó có hai việc lớn: một là nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; hai là cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để triển khai. Đến năm 2016 là bắt đầu rồi (dự kiến đến năm 2023 áp dụng đại trà chương trình, sách giáo khoa mới - PV), tôi đề nghị các đồng chí cho biết là có làm được không? Đừng để đến lúc đó thực hiện không được lại đổ lỗi cho chất lượng đội ngũ không tốt, cơ sở vật chất không đáp ứng...”.
Đáp lại, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Về cơ bản thì tại các địa phương đã có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện. Những trường chưa đầy đủ cơ sở vật chất thì Nhà nước phải đầu tư thêm, đặc biệt là thiết bị công nghệ thông tin. Lần này sẽ bồi dưỡng tập trung cho đội ngũ giáo viên, cập nhật và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu. Giải thích của ông Hiển không làm các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yên tâm. “Người dân đọc dự thảo nghị quyết này sẽ không hình dung được mười năm tới nền giáo dục của nước ta như thế nào” - bà Trương Thị Mai nhận xét. Theo bà, chủ trương đa dạng hóa sách giáo khoa, có một khung chương trình chuẩn để nhiều người cùng viết sách đã đề cập từ năm 2000 đến nay vẫn chưa thực hiện được. Về trang thiết bị cũng vậy, lúc đó cũng quyết tâm lắm nhưng đi giám sát nhiều trường thấy xếp vào kho hết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ “lo lắng về tính khả thi bởi nghị quyết thiếu những vấn đề cụ thể, mà chỉ nặng tính định hướng. Ví dụ chúng ta dành 20% chi ngân sách cho giáo dục, bây giờ dành tiền làm sách giáo khoa thì sẽ ảnh hưởng gì đến những việc khác”. Ông Giàu nêu mục tiêu nghị quyết trung ương đặt ra là năm 2030 nền giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến khu vực, tức là chỉ còn 15-16 năm nữa.
Bình luận về số tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng “34.000 tỉ đồng nói rằng nhiều thì cũng nhiều mà nói là ít thì cũng ít”. Với những trải nghiệm của mình khi tiếp xúc với các học giả nước ngoài, ông Dũng mong muốn đổi mới “cần biến tất cả những gì rất phức tạp hiện nay đang dạy cho các em thành những thứ rất đơn giản, để các em có thời gian học về nhân cách, về những thứ khác mà các em quan tâm và thích thú”.
Dự kiến dự thảo nghị quyết và đề án được Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp tháng 5 này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề. Dự luật này nhắm đến việc nâng cao chất lượng hệ thống trường dạy nghề, góp phần phân luồng trong giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chừng ấy cũng chưa đủ để thay đổi tình trạng “đại học hóa”, “thừa thầy thiếu thợ” đang xảy ra ở VN hiện nay mà còn cần nhiều chính sách, cơ chế cũng như thay đổi quan niệm xã hội.
LÊ KIÊN
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu... Các đồng chí mới nói được là chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới. Nói vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.

* Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: “Quốc hội nếu ban hành nghị quyết thế này thì chỉ trích yếu một phần nghị quyết của trung ương, vì nghị quyết trung ương đã khá toàn diện. Vậy trong này cái gì là cái mới? Từ năm 2000 đến nay tranh luận rất nhiều về sách giáo khoa, về chương trình. Vậy đến nay kết luận được những gì, đột phá là những gì? Tôi thấy hoang mang”.

* Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Loay hoay từ năm 2000 đến giờ, cứ nói đổi mới nhưng không biết đi đến đâu rồi. Tôi đề nghị với đề án này phải lấy ý kiến đông đảo chuyên gia và cần thiết thì lấy ý kiến nhân dân”.
* GS HOÀNG TỤY:

Tôi thật sự sốc

Tôi thật sự sốc khi nghe tin Bộ GD-ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đến số tiền 34.000 tỉ đồng để thực hiện việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới sau năm 2015. Tôi hi vọng nghe nhầm con số, chứ 34.000 tỉ đồng là trên dưới 1,5 tỉ USD, một số tiền khổng lồ, vượt quá nghìn lần con số tôi có thể nghĩ tới.

Chỉ cần chi tiết từng khoản tiền dùng cho từng mục công việc cụ thể sẽ thấy ngay sự bất hợp lý ở đâu và đến mức nào. Cách đây mấy tháng báo Tuổi Trẻ đã đăng một kiến nghị của tôi về vấn đề biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới, nếu theo cách ấy thì tôi tin chỉ cần một khoản đầu tư vừa phải, mà chỉ có thế mới có thể đảm bảo chất lượng chắc chắn. Trong việc này cũng như nhiều việc khác, tiêu nhiều tiền mà không hợp lý thì càng bôi bác chứ chẳng ích lợi gì.

Một số tiền lớn đến vậy chỉ để biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới và các việc thực hiện nó thì thật không chỉ khó chấp nhận trong điều kiện kinh tế còn quá khó khăn của ta, mà ngay đến các nước giàu có trên thế giới cũng không ai tiêu xài vô lý như vậy. Trong khi tiền lương của thầy cô giáo còn chưa đủ sống thì cần hết sức cân nhắc mọi khoản tiêu pha hợp lý hơn mới có thể tranh thủ sự đồng thuận của xã hội.

* PGS VĂN NHƯ CƯƠNG:

Chỉ cần một phần nghìn là đủ

Tôi cho rằng kinh phí để biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông có thể ước tính chỉ bằng 1/1.000 số tiền trên thôi. Nếu tôi được giao chủ biên viết sách giáo khoa một môn học, giả dụ môn toán của một lớp, tôi chi trả cho người biên soạn 1 triệu đồng/tiết thì số tiền chi trả cho cả cuốn sách khoảng 100 triệu đồng. Một lớp có khoảng 13 môn học (như hiện nay) thì số tiền chi trả cho biên soạn sách giáo khoa tất cả các môn của một lớp khoảng 1,3 tỉ đồng. Cứ cho là hiện nay có những yếu tố cần nâng kinh phí lên, vậy tôi cứ tạm tính kinh phí chi cho một bộ sách giáo khoa là 2,5-3 tỉ đồng, 12 bộ cần khoảng 34-36 tỉ đồng. Như vậy số tiền chi cho biên soạn sách giáo khoa của bậc phổ thông chỉ tốn khoảng 1/1.000 số tiền mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT công bố.

Nếu cộng thêm nữa những chi phí phát sinh do “yêu cầu cao hơn”, chi phí cho một bộ sách giáo khoa phổ thông làm tròn là 100 tỉ đồng thì con số này cũng chỉ bằng 3/1.000 số đã công bố. Tôi chỉ đưa ra con số này để tham khảo, suy nghĩ thôi. Vì có thể Bộ GD-ĐT sẽ giải thích trên 34.000 tỉ đồng không chỉ chi cho biên soạn sách giáo khoa mà còn chi tập huấn giáo viên, thẩm định chương trình - sách giáo khoa, nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức thí điểm...

VĨNH HÀ ghi

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

TỘI ÁC CỦA ĐÁM ĐÔNG


Đánh chết trộm chó: Tội ác của đám đông

'Khi đám đông muốn thế thiên hành đạo, thì đám đông cũng phải tuân theo lẽ công bằng. Như vậy thì mới là cách hành xử của con người có lương tri'.

Xét xử vụ trộm chó bị người dân đánh chết
Các bị cáo trong vụ đánh chết người trộm chó ở Quảng Trị trước tòa - Ảnh: Nguyễn Phúc
Một tên trộm chó dĩ nhiên đáng ghét nhưng cũng chưa phải là một kẻ gây ra tội lỗi đến mức phải lấy mạng mình ra đền để công lý thực thi báo oán. Nếu đó là một băng cướp giết người như ngóe thì có thể biện hộ cho việc đám đông xúm vào giết hắn. Nhưng khi hắn chỉ là một tên trộm chó, mà đám đông giết hắn thì đám đông đã hành xử trái với đạo trời. 
Chúng ta nên nhớ rằng, việc hành xử bất luận theo phương cách gì cũng cần phải lấy sự công bằng của trời đất làm căn bản. Người ta không giết người, không chặt tay ai để cướp của, thì đám đông nhân danh cái gì để đoạt mạng người ta? Khi đám đông muốn “thế thiên hành đạo”, thì đám đông phải cũng phải tuân theo lẽ công bằng! Như vậy thì mới là cách hành xử của con người có lương tri! 
Vào thời xa xưa khi chưa có pháp luật, chưa có tòa án, loài người còn ăn lông ở lỗ thì người ta xử bằng nguyên tắc “công bằng cơ học”. Nếu phạm nhân giết đứa trẻ thì đám đông giết chết phạm nhân, nhưng phạm nhân chỉ làm gãy tay đứa trẻ thì đám đông chỉ bẻ gãy tay phạm nhân mà thôi. Dần dần loài người văn minh hơn, có luật lệ, người ta xử theo các điều luật, nhưng vẫn luôn tuân theo nguyên tắc công bằng. 
Đó là chuyện thời xưa. Còn chuyện thời nay, giữa thế kỷ 21, cả một đám đông cuồng nộ giết chết một người chỉ phạm tội trộm chó, rồi thì hàng loạt ý kiến của nhiều người khác đang tỉnh táo lại bênh vực cho hành động này. Tôi cho rằng đây là điều cần báo động về mặt lương tri. 
Chúng ta cần nhớ rằng những bộ luật hà khắc nhất trong lịch sử cũng không xử tử hình bằng cách ném đá, đánh đấm cho đến chết với phạm nhân ăn trộm. Vậy mà chúng ta, những người mang danh là văn minh, là nhân từ, lại đi “xử” tử hình những tên trộm chó bằng các “cách thức trung cổ”! Như vậy có phải chúng ta tàn ác hơn người xưa không? Có phải chúng ta là những người tàn ác nhất thế giới hay không? 
Đây chính là sự băng hoại về mặt lương tri của một nhóm cộng đồng người Việt chúng ta. 
Cướp bia, cướp tiền của người bị nạn, đánh chết kẻ trộm chó. Rồi thì khi pháp luật xử lý, cả một nhóm cộng đồng gửi đơn thư làm áp lực lên chính quyền. Và nhiều người khác ủng hộ. 
Vấn đề không chỉ gói gọn trong năm bảy chục lá đơn, mà là cái tính ác trong con người Việt vốn nhân từ và bao dung đang trỗi dậy ngày một kinh khủng. Không chỉ sự nhân từ, lòng bao dung đội nón ra đi, đến ngay cả lẽ công bằng của đạo trời đất cũng không còn nữa!
Trần Đình Thu (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

XƯỚNG HỌA TRÊN TRANG BẠN

Với Vân Thủy Xichlo Dap.Vũ Song.Dieu Nguyen Thanh.Lê Hiếu. Hương Huong Nguyen.Lan Hường. Xuân Nï Võ.. Ngoc Le. Nguyễn Kháng.

GHEN
Chẳng lẽ ngày nào cũng đón đưa
Còn yêu người đó nói đâu thừa
Nghe hoài đã bảo không ưa nhé
Thấy mãi mà khuyên chẳng chịu chừa
Giận đấy coi chừng răng sẽ rụng
Thôi nè hổng thích giả đò thưa
Tình xưa nghĩa cũ còn không hả ?
Chấm dứt luôn à nhớ rõ chưa

Dieu Nguyen Thanh
GHEN VỢ
Lỡ hẹn thấy buồn chẳng muốn đưa
Vì sao phải bận chút duyên thừa
Em còn dang díu người xưa đó
Anh sẽ hờn ghen quánh chẳng chừa
Lúc nổi tam bành lôi mái tóc
Khi lồng cơn giận đét mông thưa
Từ nay phải dứt tình năm cũ
Mấy chưởng ra đòn biết sợ chưa?

Minh Hau Nguyen
Hỏng lẽ cái gì cũng phải đưa
Tra tra hỏi hỏi, nói thêm thừa
Quan tâm thì cố chăm sóc nhé
Cự mãi mà Cưng hỏng chịu chừa !

Tơ tình mỏng mảnh bung hoài đứt
Chỉ thắm mong manh chớ dệt thưa
Giải thích cho nhiều đâm cãi lộn
Lần này là đủ, Cưng nhớ chưa ! .

Hoang Chieu
ĐƯỜNG CÙNG

Viêm màng thủng túi lấy gì đưa
Biết móc đâu ra hỏi cũng thừa
Lương bốn năm đồng nan đủ kiệm
Thưởng vài ba cọc khó khôn chừa
Còn tiền còn bạc ngoan ghê nhỉ
Đã túng đã nghèo cóc dạ thưa
Hết gạo thôi liều thân đánh đĩ
Danh thì ba vạn bán ai mua ?

Bảo Như
Họa nhé, Hường xưa!
GHEN THIỆT!
Lời nói thiệt lòng không đón đưa.
Yêu không ghen á! Nói hơi thừa.
Ghen mà không ghét ... Thiệt, tuy hiếm!
Không hận dù buồn ... Khổ, chẳng chừa!
"PHU XƯỚNG PHỤ TÙY", Khổng Tử viết!
"Vợ chồng bình đẳng", em xin thưa!
Tình xưa nghĩa cũ riêng người giữ ...
Bền vững nơi mình ... Hì! Chắc chưa?
BN 01-3-2014

Huong Huong Nguyen
GIẬN
Hào hoa chau chuốt mắt đong đưa
Đẹp gớm quần zean áo bó nà
Dạ rũ khóc buồn rồi luỵ đã
Lòng ghen hờn giận bởi yêu cha
Mong sao thắng lại đừng hoang nữa
Ước nguyện hồi tâm với vợ nhà
Bẩy thiếp năm thê sớm viếng tổ
Nhất phu nhất phụ thọ nghe chưa
HH, ~~~~~

Hằng Nghiêm
CƯA CẨM
Cô mình đã có kẻ nào chưa
Khuya lắm rồi và phố vắng thưa
Xe bus mà chờ e chẳng có
Tắc xi nếu gọi cũng bằng thừa
Cô em đừng đợi ưng lòng nhé
Tôi sẽ đưa về đã hiểu chưa
Suốt kiếp bên cô như vệ sĩ
Chân thành làm kẻ đón và đưa

Xichlo Dap
CHÁN
Thôi thì chớ đón cũng đừng đưa
Nói mãi rồi ra lại đổ thừa
Tánh cũ lăng nhăng lời hẹn hứa
Tâm tà lắc lẻo tật không chừa
Mười hôm hết chín sai tròn bữa
Sáu đận thì năm nhủ nhắn thưa
Nghĩ chuyện nơi đâu dành chất chứa
Đôi ngày lặn mất chán hay chưa

Thang Duong
OK! Mình chia tay :)))
Một kiếp nhân sinh - thoi vụt đưa
Vấn vương chi nữa mảnh duyên thừa
Giăng câu khắp chốn khuyên không bỏ
Thả lưới muôn nơi nhắc chẳng chừa
Tình mới vơ thêm nghe lại đến
Duyên xưa chẳng bớt gọi là thưa
Nhắn người bắt cá hai tay ấy

Nguyen Trungkien
DỖI

Đâu còn,những buổi được Anh đưa
Ước chỉ vậy thôi !cũng đã thừa
Lời hứa hôm nào ,đâu có nhớ
Câu thề lúc đó , cũng không chừa
Suốt ngày vui vẻ mời lên mạng
Cả tối buồn rầu, gọi chẳng thưa !
Có lẽ chúng mình không hợp nữa
Em về nhà Mẹ , đã chừa chưa ?
Xôi hỏng bỏng không đã biết chưa?